Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011



Có Những Niềm Vui




Có những niềm vui suốt đời nhớ mãi:
Thuở tuổi ấu thơ, theo mẹ đến trường
Mẹ nắm tay con, gửi trọn tình thương
Con đã vào lớp, mẹ còn trông ngó

Có những niềm vui, ngây thơ tuổi nhỏ:
Đánh đáo, chọi bi, đánh đũa, lò cò
Vô tư, khờ dại, chẳng chút âu lo
Chỉ biết giỡn đùa, quấy cha, nũng mẹ

Có những niềm vui, một thời coi nhẹ:
“Cồng sin”, chép phạt, một thuở biết yêu
Ngớ ngẩn theo ai, dáng liễu yêu kiều
Gửi lén thơ tình , nên vào trễ học

Có những niềm vui, cười trong tiếng khóc:
Pháo cưới vu quy, con bước theo chồng
Một sáng mùa Xuân, có kẻ sang sông 
Bỏ lại sau lưng, biết bao kỷ niệm

Có những niềm vui, phải đành dấu diếm:
Gặp lại cố nhân, đôi mắt vẫn tình
Sống lại trong tim tuổi mộng thư sinh,
Cuộc tình thứ nhất, học trò vụng dại

Có những niềm vui, mỉm cười sảng khoái:
Thấy kẻ thân yêu, được sống an bình,
Giữa cuộc trần ai, đau khổ sinh linh
Thân tâm tĩnh lạc, an vui, hạnh phúc

Sương Lam

Đám Cưới Việt Nam Thập Niên 60


Lời thưa

 Nhân mùa cưới năm nay, đây là loạt bài viết nói lên những quan niệm hôn nhân và những nghi thức hỏi cưới của thập niên 60 và hiện tại qua cảm nhận của người viết.
 Đồng thời tác giả muốn  giới thiệu thời trang, nghi lễ hỏi cưới, nếp sống gia đình qua nhiều thế hệ  trong đời sống của một gia đình trung lưu  của xã hội Việt Nam, một nét văn hoá đặc thù của Việt Nam mà người con dân nước Việt nào cũng trân quí.  Hy vọng quí độc giả cảm thông và tìm thấy đâu đấy hình ảnh của mình, của những  kỷ niệm dấu yêu ngày cũ qua những bài viết này. Xin đa tạ.

Sương Lam




Đám cưới Việt Nam  trong thập niên 60

Cha mẹ chồng của tôi  qui tiên trước khi ông chồng tôi lấy vợ nên mọi việc nghi lễ, đải đằng đều do ba má tôi quyết định, chúng tôi theo đó mà thi hành, miễn sao ba má tôi hài lòng là được vì ở Việt Nam trong thập niên 60, quyết định của cha mẹ rất được tôn trọng, nhất là trong vấn đề hôn nhân.

Đám cưới của tôi được tổ chức dung hoà giữa hai nền văn hoá Việt Nam và  Âu Mỹ.

 Bàn thờ tổ tiên được trang hoàng với cặp rồng phụng kết bằng trái cây do các nghệ nhân ở Hốc Môn phụ trách. Lư hương và cặp chưng đèn loại hạng nhất đuợc ba tôi mướn chùi rửa bóng nhoáng cả tuần trước, hôm nay được chưng một cách trang trọng trên bàn thờ. Xung quanh bàn thờ là những tâ’m lụa đỏ kết hoa rất đẹp.  Nhìn vào bàn thờ tổ tiên trong ngày đám hỏi, đám cưới của tôi là biết ngay ba má tôi là người “nệ cổ” như thê’ nào rồi.

  Gia đình, bà con tôi đều mặc áo dài khăn đóng để đi đưa dâu, nhưng cô dâu chú rể lại mặc áo quần theo kiểu Tây Phương.  Thế mới lạ!  Đã bảo ba má tôi là người “câ’p tiến” mà lị!  Ba má tôi phụ trách về phần nghi lễ hỏi cưới, còn chúng tôi được toàn quyền chọn lựa trang phục trong ngày cưới và đải đằng bạn trẻ của tôi. 

Kể cũng lạ, bây giờ các đám cưới ở Mỹ hay ở Việt Nam, cô dâu chú rể thích mặc áo dài khăn đóng, nhất là cô dâu thích mặc áo dài đỏ đội khăn vành dây khi làm lễ gia tiên ở nhà, mặc áo cưới màu trắng kiểu Tây Phương khi đứng đón quan khách, thay áo đầm khác khi đi chào bàn, lại thay áo đầm khác nữa khi cắt bánh cưới.  Úi chào! Cô dâu thay xiêm đổi áo như Điêu Thuyền cởi lớp vậy!

 Trong khi đó, vào thập niên 60, đa số các cô dâu, trong đó có tôi, thích mặc áo cưới là chìếc áo dài màu trắng kim tuyến, trên đầu đội chiếc khăn voan màu trắng theo kiểu Tây phương che phủ mặt lại.  Đó là thời trang áo cưới thịnh hành nhất lúc đó.

 Kiểu dáng chiếc áo dài thời đó là phải thắt eo cho thon nhỏ lại với sợi dây nhỏ may ở bên trong eo áo, cổ áo dài phải cao 5 tấc và chiều dài áo dài phải lê thê phủ cả chiếc quần dài.  Tôi phải nói nhà may Xuân, nơi tôi may áo dài cưới, chừa cho tôi một đoạn vải may áo cưới để tôi đem đến tiệm giày làm thành một chiếc xách tay và đôi giày mỏ nhọn hoắc cùng màu với chiếc áo cưới màu trắng mới đúng điệu thời trang.

Nghi lễ đám cưới tổ chức ở nhà tôi được tiến hành theo đúng thủ tục dưới sự “chỉ đạo nghệ thuật” của ba tôi: trình sính lễ, làm lễ lên đèn, dâng hương cúng lễ tổ tiên, trình diện cô dâu, lạy chào ra mắt quan khách hai họ, lạy bàn thờ tổ tiên v...v…. Cô dâu e lệ, chú rể ngoan ngoản “bảo sao làm vậy” theo lời hướng dẫn của ba tôi.  Tuy nhiên, ba tôi lại muốn cho lễ cưới của tôi được trịnh trọng hơn nữa vì cha mẹ bên chồng tôi đã qui tiên từ lâu, nên thay vì làm lễ đưa dâu về nhà chồng, ba tôi lại lại đưa hết cả họ đàng trai, đàng gái đến Chùa Xá Lợi làm lễ cưới theo nghi lễ Phật Giáo.  Có thể nói đây là một nghi lễ đám cưới đặc biệt rất hiếm hoi được tổ chức theo nghi lễ Phật Giáo thời đấy vì ba tôi cũng là một “chức sắc” trong Hội Phật Học Việt Nam ngày xưa do Cụ Mai Thọ Truyềnn làm Hội Trưởng, nên mới xin được các vị Thượng Toạ ở chùa Xá Lợi chấp thuận cho làm lễ cưới tại chùa.

 Thế là tôi lên  xe hoa to tổ bố hiệu Plymouth của Mỹ được kết hoa trắng ngồi bên cạnh chú rể và hai cô dâu phụ là hai cô em gái của tôi, thay vì về nhà chồng, lại trực chỉ lên đưòng đến chùa Xá Lợi. Theo sau xe hoa là một đoàn xe hơi hơn 10 chiếc chở hai họ đàng trai, đàng gái đi đón dâu và đưa dâu.  Trời lại đổ cơn mưa trên đường đến chùa.  Ba má tôi cho là điềm lành vì được ơn mưa móc của trời đất ban phước lành cho đôi trẻ. Tốt thôi!

Đến chùa Xá Lợi ngang với trường nữ trung học Gia Long ngày cũ, cả đoàn gần 40 người đứng sắp hàng dài đi lên chánh điện để làm lễ cưới.  Ở phía trước cô dâu chú rể và các phù dâu quì xuống, quan khách hai họ đứng xếp hàng nam nữ phân biệt ở phía sau.  Bàn thờ Phật trang hoàng hoa huệ trắng, nến đỏ, đèn đuốc sáng choang.  Tượng Đức Phật màu trắng trên cao ánh mắt từ bi nhìn xuống.  Các vị thượng toạ trang trọng trong những chiếc y vàng đọc kinh cầu an cho cô dâu chú rể. Quan khách hai họ chấp tay trang nghiêm lắng nghe lời cầu nguyện. Lời kinh có âm điệu vui vẻ như hoà chung niềm vui của hai họ.  Cô dâu chú rể lại đưọc “bảo sao làm vậy”: đeo nhẫn cưới cho nhau, ký tên vào sổ lưu niệm của chùa, lắng tai nghe lời dạy của vị thượng toạ chủ lễ về bổn phận vợ chồng, lạy tạ ơn Phật ban phước lành, xong rồi chú rể mới được phép giở chiếc khăn voan choàng mặt cô dâu, chụp hình kỷ niệm v..v…  Buổi lễ cưới chấm dứt khi ba má tôi hướng dẫn chúng tôi đến cảm tạ quí vị thượng toạ.  Trời vẫn mưa rỉ rả trong khi đoàn xe lại quay về nhà tôi để dự tiệc cưới tối nay do đàng trai khoản đải.  Tôi vẫn mặc chiếc áo dài kim tuyến màu trăng đi chào mừng quan khách, đầu vẫn đội chiếc khăn voan nhưng được vén cao lên để lộ khuôn mặt ngây thơ, tươi trẻ vì lúc đó tôi mới vừa hai mươi hai tuổi, cái tuổi vẫn còn thích mộng mơ, lãng mạn.  Nhiều người khen tôi trông dễ thương lắm!  Mừng quá!

Bây giờ năm 2008 đến phiên cô cháu gái tôi lấy chồng.  Cô em tôi cũng tổ chức đám cưới cháu gái tôi theo nghi lễ cổ truyền giống như ba má tôi đã làm trước đây.  Trên bàn thờ tổ tiên cũng có đôi rồng phụng kết bằng trái cây do thợ Hốc Môn phụ trách, cũng có bộ lư hương nhan đèn sáng chói, có tấm phong màu đỏ với hai chữ song hỷ và hình long phụng hai bên treo phía sau bàn thờ, cũng nghi lễ cúng bái tổ tiên, trình sính lễ và mâm quả trà rượu, cũng có màn cô dâu chú rể ra mắt quan viên hai họ, và lần này vợ chồng chúng tôi lại là người “chủ xị” sắp đặt mọi nghi thức hôn lễ vì tôi là trưởng nữ trong gia đình nên phải làm bổn phận “quyền tỷ thế mẫu”.

  Chú rể mặc áo dài khăn đóng màu xanh, cô dâu mặc áo dài đỏ đội khăn vành dây đồng màu, cũng ngoan ngoãn làm y chang những gì mà vợ chồng chúng tôi đã làm 43 năm về trước trong ngày hôn lễ tại gia đình tôi.

 Thời gian qua mau, hai thế hệ hai cuộc đời, lễ nghi đám cưới vẫn còn đó nhưng chắc chắn cái cảm nhận về tầm quan trọng của các nghi lễ này sẽ khác nhau nơi cô dâu chú rể thời nay và thời xưa vì mỗi thời một cách cảm nhận và suy nghĩ khác nhau.

 Thời nay thanh niên nam nữ thường lập gia đình muộn màng hơn và có khuynh hướng muốn độc lập tự do hơn trong việc tổ chức hôn lễ của mình.  Ngày xưa con cái được “cha mẹ đặt đâu ngồi đấy”, nhưng bây giờ thì cha mẹ lại được “con cái đặt đâu ngồi đấy” trong nhiều việc, nhất là trong hôn nhân.  Ngày nay, hôn nhân không phải là vấn đề quan trọng trong đời sống của thanh niên nam nữ của thế kỷ 21 vì nhiều khi sự theo đuổi một hoài bảo, một lý tưởng, công ăn việc làm, sự nghiệp còn quan trọng hơn là hôn nhân nữa.

 Tuy nhiên, dầu sao đi nữa ai ai cũng mong cầu hạnh phúc, sống an vui trong một mái ấm gia đình có chồng vợ yêu thương nhau, có đàn con nhỏ xinh xắn ngoan hiền, có cha mẹ già bên cạnh để trông nom, đùa giỡn với con cháu. Cầu nguyện toàn thể mọi người tìm được niềm vui gia đình hạnh phúc tầm thường trong cõi trần gian phức tạp này.  Mong lắm  thay!

Hẹn gặp lại quí độc giả trong bài viết Đám cưới Việt Nam năm 2008 tại Saigon kỳ sau.

Sương Lam

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Gái lớn lên phải lấy chồng







Gái lớn lên phải lấy chồng


“Trai lớn lên phải lấy vợ, gái lớn lên phải lấy chồng”, má tôi đã khuyên tôi như thế lúc tôi còn là sinh viên tràn đầy mộng ước cho tương lai và sự nghiệp. Lúc đó tôi chỉ thích có người yêu đi dạo phố hay tâm sự vụn chứ chưa muốn để nhiều người phải than “em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!”

Nhưng rồi tôi cũng ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ tôi lên xe hoa để theo” những cô áo đỏ sang nhà khác”, bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm thời con gái vì vào thập niên 60, quan niệm "áo mặc sao qua khỏi đầu, con cái phải vâng lời cha mẹ mới là hiếu thảo" vẫn là những lời giáo huấn quan trọng mà phận làm con như tôi phải tuân theo. Phần khác, có lẻ tôi vẫn chưa yêu ai đến độ phải "sống chết cùng chàng” và hơn thế nữa, ông xã của tôi lại là nguời hiền lành, có đủ điều kiện của một người chồng tốt, nên tôi dễ dàng chấp nhận một cuộc hôn nhân do cha mẹ quyết định như thế. Đám hỏi, đám cưới của tôi được tổ chức theo đúng nghi lễ cổ truyền, linh đình cả xóm, cả làng đều biết vì cha mẹ tôi là người sống kỳ cựu ở Phú Nhuận ngày xưa nên quen biết rất nhiều người.

Dĩ nhiên khi chung sống với nhau, vợ chồng chúng tôi có những điều bất như ý nhưng có lẻ nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ tôi, thêm vào nữa cả hai đều biết nhường nhịn nhau nên chúng tôi đã chung sống hạnh phúc bên nhau 43 năm rồi. Thời gian qua thật nhanh!

Bây giờ con tôi cũng đã thành gia thất nhưng chúng tôi lại phải tôn trọng quyết định của con tôi khi chọn vợ lấy chồng vì con tôi ít nhiều gì cũng chịu ảnh hưởng của nền giáo dục tôn trọng chủ nghĩa cá nhân của xứ người. Chúng tôi chỉ là những người cố vấn, đưa ra những lời khuyên theo kinh nghiệm sống của tổ tiên, cha mẹ, đạo đức Á Đông để lại và chỉ biết làm tròn thủ tục hôn lễ theo gia phong của gia đình tôi mà thôi. Hôn nhân của đương sự vẫn là do đương sự quyết định chọn lựa người bạn trăm năm của mình. Các đương sự phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình để chúng không thể trách chúng tôi đã xen vào hạnh phúc gia đình của chúng. Thời nào thế nấy!

Bây giờ đến phiên cô cháu gái của tôi đi lấy chồng. Vợ chồng tôi về Việt Nam dự đám cưới của cháu gái tôi với tư cách là đại diện đàng gái vì tôi là trưởng nữ trong gia đình. Ngày xưa người ta thường nói “quyền huynh thế phụ”; gia đình tôi không có trưởng nam, tôi là trưởng nữ, thôi thì cứ tạm là “quyền tỷ thế mẫu” cũng được mà.

Cô cháu này sinh vào thế hệ mới nên tư tưởng, quan niệm sống có phần cởi mở, phóng khoáng hơn là thế hệ chúng tôi. Cô sang Pháp du học về ngành hành chánh tài chánh. Tại nơi đây cô gặp một sinh viên người Spain đang học chương trình Tiến sĩ về môi trường thiên nhiên.
Đúng là tình yêu không biên giới nên cả hai yêu nhau và hẹn khi chàng tốt nghiệp sẽ kết hôn với nhau.

Cô ra trường xong là phải trở về Việt Nam và làm việc ở toà đại sứ Pháp tại Việt Nam. Chàng ở lại tiếp tục học. Cũng may nhờ những tiến bộ về ngành truyền thông và điện toán nên chàng và nàng tuy ở hai phương trời cách biệt vẫn có thể trao đổi tâm tình với nhau hơn 6 năm trời. Cha mẹ chàng và chàng cũng đôi lần sang Việt Nam thăm viếng gia đình em tôi và cô cháu của tôi. Họ rất có cảm tình với gia đình cô em tôi và cũng chấp nhận cho chàng và nàng nên duyên chồng vợ.
Rồi chàng trở về Spain, nơi có những trận đấu bò và vũ điệu flammingo nổi tiếng; nàng ở lại quê hương Việt Nam, ngày hai buổi đi làm theo ý thích của nàng, không muốn kế nghiệp mẹ nàng dù mẹ nàng là một người có địa vị cao trong một công ty ở Việt Nam. Tình yêu của hai người phải trải qua nhiều thử thách của thời gian, của việc học hành, của trở ngại ngôn ngữ, của phong tục tập quán. Cuối cùng cũng đến giờ hoàng đạo cho đôi trẻ thành hôn sau 6 năm trời yêu thương nhau trong xa cách sau khi chàng đã hoàn tất xong chương trình Tiến sĩ. Thế là cô em tôi phải lo tổ chức đám cưới để đón nhận chàng rễ Spain về Việt Nam cưới vợ và cô cháu gái của tôi phải trở thành "con chim đa đa đi lấy chồng xa" theo như sự chọn lựa của nàng.

Nhìn nụ cười vui vẻ của cô em tôi trong ngày đám cưới tôi vẫn thấy đâu đấy vương vấn một nỗi buồn khi chợt nhớ đến câu:

"Chồng gần không lấy, lại đi lấy chồng xa
Một mai kia cha yếu mẹ già
Chén cơm bát nước, bộ kỷ trà ai dâng”


Sương Lam
(ORTB 375-6-12-2009)

Hạnh Phúc Ở Nơi Đâu





Hạnh Phúc ở Nơi Đâu

Thật không thể bảo đấy là Hạnh Phúc
Khi con người sống lừa dối lẫn nhau,
Lúc ghét nhau, vẫn phải ...cố cười chào
Dẫu yêu lắm, vẫn chối rằng ... chưa có ?!

Con người mãi vẫn có điều chưa rõ:
Những nhiệm mầu của xúc cảm con tim
Nên con người vẫn cứ mãi kiếm tìm
Định nghĩa của Tình Yêu và Hạnh Phúc

Rất giản dị, rất tầm thường ...Hạnh Phúc :
Là tiếng cười, là lời nói trẻ thơ
Được gặp nhau, sau bao phút đợi chờ
Được ôm ấp trong vòng tay cha mẹ

Hạnh phúc đến trong an vui, mạnh khỏe
Từ tinh thần, thể chất, đến tâm linh,
Khi trái tim xúc động thật chân tình:
Những tình cảm của vui, buồn, yêu, giận

Khi buồn khổ, cứ để dòng lệ ngấn !
Lúc mừng vui, hãy nở nụ cười tươi
Đối với tôi: Hạnh Phúc của con người,
" Là giây phút sống thật cùng cảm xúc !"

Đừng tìm mãi nơi đâu là Hạnh phúc ?
Có thể gần , cũng có thể thật xa
Xa hay gần là ở tại Tâm ta :
Ta cảm nhận thế nào là thế đó

Sương Lam

Mái Ấm Gia Đình




Mái ấm gia đình
                                     
                                         Sương Lam


Đa số phụ nữ đều mơ ước có được một mái ấm gia đình hạnh phúc trong đó có người chồng hết mực thương yêu mình và những đứa con ngoan hiền hiếu thảo.

Cha mẹ chồng của tôi đã qui tiên từ lâu. Ông chồng tôi ở trọ nhà của nguời chị chồng thứ năm của tôi ở cư xá Lữ Gia cũ. Bây giờ lập gia thất nên chàng phải lo sắm sửa mái ấm gia đình riêng của mình.
Phải công nhận ông chồng tôi là một người chồng tốt vì chàng đã chuẩn bị đầy đủ mọi tiện nghi cần thiết cho một mái ấm gia đình với số tiền chàng dành dụm được sau những lần được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài. Chàng gửi tạm ở nhà bà chị các đồ đạc mà chàng đã mua sắm. Cha mẹ tôi có ý muốn bắt rể vì thấy chàng không còn cha mẹ, nhưng chúng tôi vẫn thích được ở riêng để có thể tự lo liệu đời sống gia đình của mình, để cha mẹ tôi có thể nhẹ gánh mà lo lắng cho ba người em của tôi. Hơn thế nữa, ông chồng tôi đã bao nhiêu năm sống chung với người chị rồi nên vẫn thích được sống tự do thoải mái với gia đình nhỏ bé của mình trong tinh thần tự lập, tự do thoải mái.

Tổ ấm của chúng tôi là một căn nhà nhỏ ở chợ Nancy mà chàng đã bỏ công tìm kiếm, thuê mướn rồi tìm người sơn sửa lại theo ý thích của tôi. Tôi thích màu tím thi văn lãng mạn nhưng vì là tổ ấm của đôi vợ chồng mới cưới nên tôi kêu thợ sơn màu hồng tình ái cho có vẻ nồng ấm hơn.

Trước ngày cưới một tháng là chàng di chuyển hết tất cả những gì chàng đã mua sắm gửi ở nhà bà chị về tổ ấm của chúng tôi. Cha mẹ tôi hết lời khen ngợi chàng rể mồ côi cha mẹ, hiền lành này và đây cũng là một lý do khiến tôi dễ dàng chấp nhận cuộc hôn nhân mà cha mẹ tôi đã quyết định vì tôi không phải làm dâu. Tôi sẽ được chồng thương yêu nhiều hơn vì tôi là người thân yêu duy nhất mà chàng đặt hết tình thương gia đình vào đấy. Thật đúng thế!

Vì không có cha mẹ chồng nên thay vì rước dâu về nhà cha mẹ chồng, ba tôi đã đưa cả gia đình hai họ đến làm lễ cưới ở chùa Xá Lợi. Lễ xong đoàn người đưa dâu, rước dâu quay trở lại nhà tôi để dự tiệc cưới do đàng trai đãi. Đàng gái đã đãi hôm trước rồi nên đây là tiệc dành cho các thân hữu và thân nhân gia đình bên chồng tôi do chúng tôi khoản đãi. Ông chồng tôi nhờ làm cơ quan tự trị lương bổng khá tốt nên có thể tự lo lắng chi phí tiệc cưới và tổ ấm gia đình tôi một cách tốt đẹp. Đó là một ưu điểm của một người chồng tốt và cũng là phần phúc của tôi.

Tiệc cưới xong, tôi theo chàng về tổ ấm của chúng tôi trên chiếc xe nho nhỏ xinh xinh mà chàng tậu được trước khi cưới vợ. Tôi "theo chàng về dinh" không phải ngồi trên võng có "tiền hô hậu ủng" mà chỉ có "hai đứa chúng mình thôi nhé" trên chiếc xe ô tô hiệu Prefect của hảng Ford Ăng Lê thập niên 60. Tôi cũng không cần phải chờ tới giờ hoàng đạo mới được vào nhà, bước qua hỏa lò than hồng, làm lễ tơ hồng, lễ hợp cẫn theo tục lệ cưới hỏi ngày xưa vì chính tôi là bà chủ nhà chính thức của tổ ấm nho nhỏ của hai nguời chúng tôi rồi nên tôi có thể "tự biên tự diễn" mọi thủ tục ở tổ ấm của tôi thế nào cũng được.

Ngày hôm sau thức dậy tôi cũng không cần phải dậy sớm nấu nước dâng trà vấn an cha mẹ chồng như trong phim truyện truyền hình mà tôi đã xem. Cô dâu mới ở thập niên 60 như tôi thật là tự do, thoải mái vì chỉ có chàng và nàng mà thôi. Chúng tôi về nhà cha mẹ tôi làm lễ lạy mặt để tạ ơn gia tiên, tạ ơn cha mẹ và họ hàng thân nhân, để giúp cha mẹ tôi dọn dẹp nhà cửa và thanh toán các chi phí của tiệc cưới ngày hôm trước.

Thật tình chúng tôi vẫn chưa muốn làm đám cưới dù chúng tôi đã đính hôn hai năm rồi vì tôi chưa tốt nghiệp trường QGHC do sự thay đổi học trình mới của nhà trường. Tôi còn phải đi tập sự ở trung ương ngay tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 6 tháng nữa mới ra trường. Lệnh tổng động viên trong thời kỳ chiến tranh đã làm cho ba tôi quyết định làm hôn lễ ngay vì nếu chàng bị nhập ngũ theo lệnh tổng động viên thì mọi thủ tục hôn lễ trong quân đội sẽ chậm trể, khó khăn hơn và có thể ngày đám cưới sẽ không đúng vào ngày lành tháng tốt mà ba tôi đã chọn lựa. Chúng tôi luôn luôn vâng lời dạy bảo của ba má tôi nên người dạy sao nghe vậy cho người vui lòng. Thế là đám cưới của chúng tôi được tiến hành tốt đẹp duới sự “chỉ đạo nghệ thuật”của ba tôi.
May quá! Chàng được cơ quan nơi chàng làm việc can thiệp xin cho đi thụ huấn quân sự mấy tháng rồi được biệt phái về nhiệm sở cũ. Hú hồn! Tuy nhiên tôi cũng phải chịu vất vả đi thăm nuôi chàng ở vườn tao ngộ và truờng bộ binh Thủ Đức mấy tháng trời. Thế là tôi cũng là “người yêu của lính” rồi, phải không bạn? Những lần chàng về phép, thật là thời gian vui vẻ và hạnh phúc nhất của vợ chồng chúng tôi trong thời "chinh chiến điêu linh".

Ngày nghỉ phép còn lại rất ít nên chúng tôi đồng ý đi hưởng tuần trăng mật ở Vũng Tàu bằng xe nhà cho tiện lợi. Tuy nhiên không phải lúc nào” trời cũng chiều người”, cho nên trên đường đi khi xe chúng tôi đến vườn cao su gần Long Thành thì bị chận lại vì có đoạn đường phía trước bị Việt Cộng đắp mô gài mìn. Chúng tôi được lịnh phải xuống xe nấp trong rừng cao su chờ đợi. Nhiều hành khách đi xe đò cũng xuống xe như chúng tôi. Tất cả chúng tôi chờ đợi trong lo âu, sợ hãi vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp. Một lúc sau, chúng tôi quyết định quay xe về lại Saigon vì hiện trường chưa thanh toán xong và không biết chuyện gì sẽ xãy ra. Chắc có lẻ còn nguy hiểm lắm! Thật là hú hồn! Thế là chúng tôi không có thể đi hưởng tuần trăng mật vì ba ngày sau thì chàng phải đi làm việc trở lại.
Thời chinh chiến mà, không phải mình muốn chuyện gì là có thể thực hiện được chuyện đó. Thôi đành chịu vậy!

Tôi sống hạnh phúc trong sự thương yêu, chìu chuộng của chồng tôi. Tiếng khóc của trẻ thơ làm cho mái ấm gia đình của tôi thêm phần ấm cúng, rộn ràng. Cuộc đời của chúng tôi thăng trầm theo vận nưóc, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi những phút giây vui sướng cũng như đau khổ nhất của kiếp người.

Thời gian trôi qua nhanh quá! Thoáng chốc mà chúng tôi đã thành hôn 43 năm rồi. Trong cuộc sống vợ chồng dĩ nhiên là có những điều bất như ý vì mỗi người là một vũ trụ riêng bịệt với những sở thích, cá tính khác nhau, chỉ đến khi sống chung rồi ta mới khám phá ra. Tuy nhiên, tình nghĩa vợ chồng có một cái gì thiêng liêng cao quí đã ràng buộc hai người xa lạ trở thành một. Nguời ta thường nói: “
có duyên, có nợ mới nên vợ nên chồng” và mỗi người có một phúc phận riêng của mình. Tôi may mắn có được một người chồng tốt biết thương vợ thương con mặc dầu chàng không phải là “người tình trong mộng” của tôi. Nhưng "người tình tốt chưa hẵn là một người chồng tốt", nhiều người cũng đã nói với tôi như thế! Tôi thấy cũng đúng trong trường hợp của tôi, còn bạn thì sao?

“Hãy tận hưởng những gì con có trong tầm tay của mình với niềm vui và làm thật tốt những gì con thấy cần phải làm để giữ cho mái ấm gia đình của con luôn ấm cúng, như thế con sẽ thấy hạnh phúc”. Bây giờ tôi thấy lời khuyên của má tôi trước khi tôi đi lấy chồng thật đúng với những gì tôi có trong hiện tại. Nhưng khi tôi hiểu và thương ba mẹ, thì ba mẹ tôi không còn nữa. Buồn thay!

Tôi cũng xin cám ơn chồng tôi, dù đôi lần đã làm tôi phiền muộn, nhưng tôi biết tôi là người hữu phúc trong đời sống hôn nhân vì có được một người chồng biết thương vợ thương con như thế.
Cuối cùng tôi vẫn là người
“nội tướng” quan trọng nhất và cần thiết nhất trong mái ấm gia đình của tôi và của chàng và hy vọng bạn cũng thế.

Sương Lam

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Hạnh Phúc Nhỏ Nhoi








 Lời Thưa

Đây là loạt bài tâm tình về những cảm nhận trong đời sống hôn nhân, hạnh phúc gia đình và sự nghiệp,  đời sống tâm linh, lý tưởng phục vụ xã hội, đạo và đời của một phụ nữ Việt Nam thuộc giai cấp trung lưu trong xã hội Việt Nam ở quá khứ và trong hiện tại.  Hy vọng rằng quí độc giả sẽ cảm thông và tìm thấy đâu đây một sự “đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu” .  Xin đa tạ .

Sương Lam



Hạnh Phúc Nhỏ Nhoi

                                                         

Mỗi người đều mơ ước một mái ấm gia đình hạnh phúc trong đó vợ chồng thương yêu nhau, có tiếng cười nói của trẻ thơ, có những kỷ niệm gia đình thân ái bên nhau, có những giờ phút sống an tĩnh tinh thần. Một mơ ước rất tầm thường, giản dị như thế nhưng không phải ai cũng có thể có được và nếu ai đã có được rồi phải được xem đó là duyên phúc tốt đẹp của mình.

Ngày xưa khi còn là một thiếu nữ, tôi đã có mơ ước về mái ấm gia đình của mình được diễn đạt như sau qua bài thơ
Nếu Anh muốn là người yêu của Em của tôi:

..."nếu anh muốn là người yêu của em,
không cần anh có xe hơi, nhà lầu, biệt thự đắc tiền ,
Em chỉ mơ một mái nhà nho nhỏ,
với hoa vàng trước ngõ, khóm trúc bên hiên
Em chỉ mơ một chiếc xe bé bé xinh xinh
Chở tâm tình đôi ta vào chiều thứ bảy.."


Bây giờ nghĩ lại, trải qua bao cuộc biển dâu thay đổi của cuộc đời, tôi đã nhận được nhiều ân phúc của Trời Phật đã ban cho mình. Đó là tôi đã đạt được những gì mình mơ ước dù là so với bao kẻ khác, mơ ước đó có thể thật là tầm thường, nhỏ nhoi, nhưng đối với tôi là một hạnh phúc trong tầm tay với của tôi. Tôi đã có nhà cao cửa rộng, tôi đã có một quá khứ tạm gọi là oanh liệt, vàng son so với nhiều người khác nhưng rồi tôi cũng đã phải mất đi vì thời cuộc, vì vận nước đổi thay. Ngày nay đến xứ người với gia đình một cách an lành, đầy đủ sau một chuyến vượt biên nguy hiểm, đó không phải là nhờ hồng phúc ơn trên ban bố cho tôi hay sao? Cho nên tôi không dám mơ ước gì hơn là có sức khoẻ và tinh thần sáng suốt,an tĩnh ở cái tuổi không còn trẻ nữa này để có thể làm được những việc gì có ích cho mình, cho những người thân trong gia đình, cho bạn bè thân mến của tôi.

Ngày xưa khi còn trẻ, với những thành công trong vấn đề học vấn một cách dễ dàng, tôi được xem như là người con được cưng nhất của ba má tôi và là niềm hảnh diện cho gia đình tôi nên tôi ôm rất nhiều cao vọng, phải làm chuyện này, phải làm chuyện kia cho đúng với tài năng của mình, tôi nghĩ thế!

Tôi thấy các nguời chị trong thân tộc của tôi, hay con cái của bạn bè cha mẹ tôi, lớn lên đi lấy chồng đẻ con sao mà tầm thường quá vì họ không có hoài bảo, lý tưởng phục vụ nhân quần, xã hội gì cả?! Nhưng rồi qua thời gian, tôi mới nhận thấy rằng chính những người phụ nữ tầm thường đó mới là những phụ nữ đáng phục, đáng quí trọng vì họ đã hy sinh những tham vọng của cá nhân mình để giữ lấy một cái hạnh phúc bình thường, giản dị cho mái ấm gia đình của họ, điển hình là mẹ của tôi qua hình ảnh:

Con cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió mưa


Chính nhờ những cái tầm thường, hy sinh, chịu đựng của những bà mẹ, bà vợ tầm thường này mà người cha, người chồng, người con cũa họ mới có thể an tâm lo việc nhà việc nước ngoài xã hội. Trên một phương diện khác, họ là những chiến sĩ vô danh. Bạn có đồng ý với tôi chăng?

Cao quí ấy, phải chăng trời đã phú
Chỉ riêng dành cho phụ nữ Việt Nam
Họ là ai? "Những chiến sĩ vô danh"
Trang sử Việt, họ góp phần rất lớn. (SL)



Dĩ nhiên cũng có những người phụ nữ phi thường như Hai Bà Trưng, Bà Triệu Ẩu ngày xưa, như Dương Nguyệt Ánh, Elizabeth Phạm ngày nay trong văn hóa Việt và nhiều vị anh thư hào kiệt trên thế giới như bà Thatcher, bà Gandhi ,v...v... Nhưng với tôi, hình ảnh hiền lành, hy sinh, chịu đựng của phụ nữ Việt Nam chúng ta vẫn là hình ảnh mà tôi thương yêu, trân quí nhất. Riêng bạn thì sao?

Với tài năng và sở học của mình, phụ nữ ngày nay cũng chen vai sát cánh đóng góp tài năng, lý tưởng của mình cho xã hội, cho quốc gia như nam giới nhưng hình như trong trái tim nhỏ bé của họ, mái ấm gia đình hạnh phúc vẫn là niềm mơ ước của đa số phụ nữ trong bất cứ thời đại nào, không gian nào. Sau những giờ làm việc mệt nhọc, sau những giây phút tham dự những buổi họp quan trọng, người phụ nữ vẫn muốn ôm đứa con thương yêu trong vòng tay của mình dù là con ruột hay con nuôi vì đó là bản năng làm mẹ của người phụ nữ. Họ vẫn muốn được ngồi ăn một buổi cơm có mặt những người thân trong gia đình, được nằm trong vòng tay nồng ấm của chồng vì họ vẫn là người đàn bà đáng yêu. Ngày nay có những phụ nữ, mặc dầu chọn sự nghiệp quan trọng hơn là hôn nhân, gia đình hoặc không muốn sinh nở hay vì một lý do nào đó không thể sinh con được, họ vẫn dành tình cảm thương yêu đối với trẻ thơ dễ thương vô tư vô tội và đó là hạnh phúc nhỏ nhoi của họ, tôi nghĩ thế.

Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về hai chữ hạnh phúc tùy theo hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi người. Tiền bạc, danh vọng, lý tưởng phục vụ xã hội tổ quốc, sự giàu sang, niềm vui đạo hạnh, niềm vui tinh thần, đôi khi một nơi trú ẩn an lành, một nắm cơm no bụng, một chiếc áo lành để che thân cũng là hạnh phúc của con người.

Nếu trái tim tôi không còn biết rung động trước cái hay cái đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật; nếu tôi không còn biết tôn trọng những tình cảm cao quí của con người:tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, tình yêu tổ quốc; nếu tôi không còn sức khoẻ nữa và nếu tôi không có cái tâm an tĩnh, biết làm điều thiện, tránh điều ác thì chắn chắn tôi sẽ không có hạnh phúc! Nhưng điều quan trọng nhất là tôi biết yêu thương và vui sống với những gì tôi đang có trong tầm tay hiện tại của tôi. Đó chính là hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi, bạn ạ!

Cuối cùng tôi xin cầu nguyện mọi người đều có hạnh phúc, dù là nhỏ nhoi, theo cách nghĩ của bạn. Bạn đồng ý chứ?

Sương Lam