Gái lớn lên phải lấy chồng
“Trai lớn lên phải lấy vợ, gái lớn lên phải lấy chồng”, má tôi đã khuyên tôi như thế lúc tôi còn là sinh viên tràn đầy mộng ước cho tương lai và sự nghiệp. Lúc đó tôi chỉ thích có người yêu đi dạo phố hay tâm sự vụn chứ chưa muốn để nhiều người phải than “em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!”
Nhưng rồi tôi cũng ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ tôi lên xe hoa để theo” những cô áo đỏ sang nhà khác”, bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm thời con gái vì vào thập niên 60, quan niệm "áo mặc sao qua khỏi đầu, con cái phải vâng lời cha mẹ mới là hiếu thảo" vẫn là những lời giáo huấn quan trọng mà phận làm con như tôi phải tuân theo. Phần khác, có lẻ tôi vẫn chưa yêu ai đến độ phải "sống chết cùng chàng” và hơn thế nữa, ông xã của tôi lại là nguời hiền lành, có đủ điều kiện của một người chồng tốt, nên tôi dễ dàng chấp nhận một cuộc hôn nhân do cha mẹ quyết định như thế. Đám hỏi, đám cưới của tôi được tổ chức theo đúng nghi lễ cổ truyền, linh đình cả xóm, cả làng đều biết vì cha mẹ tôi là người sống kỳ cựu ở Phú Nhuận ngày xưa nên quen biết rất nhiều người.
Dĩ nhiên khi chung sống với nhau, vợ chồng chúng tôi có những điều bất như ý nhưng có lẻ nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ tôi, thêm vào nữa cả hai đều biết nhường nhịn nhau nên chúng tôi đã chung sống hạnh phúc bên nhau 43 năm rồi. Thời gian qua thật nhanh!
Bây giờ con tôi cũng đã thành gia thất nhưng chúng tôi lại phải tôn trọng quyết định của con tôi khi chọn vợ lấy chồng vì con tôi ít nhiều gì cũng chịu ảnh hưởng của nền giáo dục tôn trọng chủ nghĩa cá nhân của xứ người. Chúng tôi chỉ là những người cố vấn, đưa ra những lời khuyên theo kinh nghiệm sống của tổ tiên, cha mẹ, đạo đức Á Đông để lại và chỉ biết làm tròn thủ tục hôn lễ theo gia phong của gia đình tôi mà thôi. Hôn nhân của đương sự vẫn là do đương sự quyết định chọn lựa người bạn trăm năm của mình. Các đương sự phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình để chúng không thể trách chúng tôi đã xen vào hạnh phúc gia đình của chúng. Thời nào thế nấy!
Bây giờ đến phiên cô cháu gái của tôi đi lấy chồng. Vợ chồng tôi về Việt Nam dự đám cưới của cháu gái tôi với tư cách là đại diện đàng gái vì tôi là trưởng nữ trong gia đình. Ngày xưa người ta thường nói “quyền huynh thế phụ”; gia đình tôi không có trưởng nam, tôi là trưởng nữ, thôi thì cứ tạm là “quyền tỷ thế mẫu” cũng được mà.
Cô cháu này sinh vào thế hệ mới nên tư tưởng, quan niệm sống có phần cởi mở, phóng khoáng hơn là thế hệ chúng tôi. Cô sang Pháp du học về ngành hành chánh tài chánh. Tại nơi đây cô gặp một sinh viên người Spain đang học chương trình Tiến sĩ về môi trường thiên nhiên.
Đúng là tình yêu không biên giới nên cả hai yêu nhau và hẹn khi chàng tốt nghiệp sẽ kết hôn với nhau.
Cô ra trường xong là phải trở về Việt Nam và làm việc ở toà đại sứ Pháp tại Việt Nam. Chàng ở lại tiếp tục học. Cũng may nhờ những tiến bộ về ngành truyền thông và điện toán nên chàng và nàng tuy ở hai phương trời cách biệt vẫn có thể trao đổi tâm tình với nhau hơn 6 năm trời. Cha mẹ chàng và chàng cũng đôi lần sang Việt Nam thăm viếng gia đình em tôi và cô cháu của tôi. Họ rất có cảm tình với gia đình cô em tôi và cũng chấp nhận cho chàng và nàng nên duyên chồng vợ.
Rồi chàng trở về Spain, nơi có những trận đấu bò và vũ điệu flammingo nổi tiếng; nàng ở lại quê hương Việt Nam, ngày hai buổi đi làm theo ý thích của nàng, không muốn kế nghiệp mẹ nàng dù mẹ nàng là một người có địa vị cao trong một công ty ở Việt Nam. Tình yêu của hai người phải trải qua nhiều thử thách của thời gian, của việc học hành, của trở ngại ngôn ngữ, của phong tục tập quán. Cuối cùng cũng đến giờ hoàng đạo cho đôi trẻ thành hôn sau 6 năm trời yêu thương nhau trong xa cách sau khi chàng đã hoàn tất xong chương trình Tiến sĩ. Thế là cô em tôi phải lo tổ chức đám cưới để đón nhận chàng rễ Spain về Việt Nam cưới vợ và cô cháu gái của tôi phải trở thành "con chim đa đa đi lấy chồng xa" theo như sự chọn lựa của nàng.
Nhìn nụ cười vui vẻ của cô em tôi trong ngày đám cưới tôi vẫn thấy đâu đấy vương vấn một nỗi buồn khi chợt nhớ đến câu:
"Chồng gần không lấy, lại đi lấy chồng xa
Một mai kia cha yếu mẹ già
Chén cơm bát nước, bộ kỷ trà ai dâng”
Sương Lam
(ORTB 375-6-12-2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét