Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Đám Cưới Việt Nam Thập Niên 60


Lời thưa

 Nhân mùa cưới năm nay, đây là loạt bài viết nói lên những quan niệm hôn nhân và những nghi thức hỏi cưới của thập niên 60 và hiện tại qua cảm nhận của người viết.
 Đồng thời tác giả muốn  giới thiệu thời trang, nghi lễ hỏi cưới, nếp sống gia đình qua nhiều thế hệ  trong đời sống của một gia đình trung lưu  của xã hội Việt Nam, một nét văn hoá đặc thù của Việt Nam mà người con dân nước Việt nào cũng trân quí.  Hy vọng quí độc giả cảm thông và tìm thấy đâu đấy hình ảnh của mình, của những  kỷ niệm dấu yêu ngày cũ qua những bài viết này. Xin đa tạ.

Sương Lam




Đám cưới Việt Nam  trong thập niên 60

Cha mẹ chồng của tôi  qui tiên trước khi ông chồng tôi lấy vợ nên mọi việc nghi lễ, đải đằng đều do ba má tôi quyết định, chúng tôi theo đó mà thi hành, miễn sao ba má tôi hài lòng là được vì ở Việt Nam trong thập niên 60, quyết định của cha mẹ rất được tôn trọng, nhất là trong vấn đề hôn nhân.

Đám cưới của tôi được tổ chức dung hoà giữa hai nền văn hoá Việt Nam và  Âu Mỹ.

 Bàn thờ tổ tiên được trang hoàng với cặp rồng phụng kết bằng trái cây do các nghệ nhân ở Hốc Môn phụ trách. Lư hương và cặp chưng đèn loại hạng nhất đuợc ba tôi mướn chùi rửa bóng nhoáng cả tuần trước, hôm nay được chưng một cách trang trọng trên bàn thờ. Xung quanh bàn thờ là những tâ’m lụa đỏ kết hoa rất đẹp.  Nhìn vào bàn thờ tổ tiên trong ngày đám hỏi, đám cưới của tôi là biết ngay ba má tôi là người “nệ cổ” như thê’ nào rồi.

  Gia đình, bà con tôi đều mặc áo dài khăn đóng để đi đưa dâu, nhưng cô dâu chú rể lại mặc áo quần theo kiểu Tây Phương.  Thế mới lạ!  Đã bảo ba má tôi là người “câ’p tiến” mà lị!  Ba má tôi phụ trách về phần nghi lễ hỏi cưới, còn chúng tôi được toàn quyền chọn lựa trang phục trong ngày cưới và đải đằng bạn trẻ của tôi. 

Kể cũng lạ, bây giờ các đám cưới ở Mỹ hay ở Việt Nam, cô dâu chú rể thích mặc áo dài khăn đóng, nhất là cô dâu thích mặc áo dài đỏ đội khăn vành dây khi làm lễ gia tiên ở nhà, mặc áo cưới màu trắng kiểu Tây Phương khi đứng đón quan khách, thay áo đầm khác khi đi chào bàn, lại thay áo đầm khác nữa khi cắt bánh cưới.  Úi chào! Cô dâu thay xiêm đổi áo như Điêu Thuyền cởi lớp vậy!

 Trong khi đó, vào thập niên 60, đa số các cô dâu, trong đó có tôi, thích mặc áo cưới là chìếc áo dài màu trắng kim tuyến, trên đầu đội chiếc khăn voan màu trắng theo kiểu Tây phương che phủ mặt lại.  Đó là thời trang áo cưới thịnh hành nhất lúc đó.

 Kiểu dáng chiếc áo dài thời đó là phải thắt eo cho thon nhỏ lại với sợi dây nhỏ may ở bên trong eo áo, cổ áo dài phải cao 5 tấc và chiều dài áo dài phải lê thê phủ cả chiếc quần dài.  Tôi phải nói nhà may Xuân, nơi tôi may áo dài cưới, chừa cho tôi một đoạn vải may áo cưới để tôi đem đến tiệm giày làm thành một chiếc xách tay và đôi giày mỏ nhọn hoắc cùng màu với chiếc áo cưới màu trắng mới đúng điệu thời trang.

Nghi lễ đám cưới tổ chức ở nhà tôi được tiến hành theo đúng thủ tục dưới sự “chỉ đạo nghệ thuật” của ba tôi: trình sính lễ, làm lễ lên đèn, dâng hương cúng lễ tổ tiên, trình diện cô dâu, lạy chào ra mắt quan khách hai họ, lạy bàn thờ tổ tiên v...v…. Cô dâu e lệ, chú rể ngoan ngoản “bảo sao làm vậy” theo lời hướng dẫn của ba tôi.  Tuy nhiên, ba tôi lại muốn cho lễ cưới của tôi được trịnh trọng hơn nữa vì cha mẹ bên chồng tôi đã qui tiên từ lâu, nên thay vì làm lễ đưa dâu về nhà chồng, ba tôi lại lại đưa hết cả họ đàng trai, đàng gái đến Chùa Xá Lợi làm lễ cưới theo nghi lễ Phật Giáo.  Có thể nói đây là một nghi lễ đám cưới đặc biệt rất hiếm hoi được tổ chức theo nghi lễ Phật Giáo thời đấy vì ba tôi cũng là một “chức sắc” trong Hội Phật Học Việt Nam ngày xưa do Cụ Mai Thọ Truyềnn làm Hội Trưởng, nên mới xin được các vị Thượng Toạ ở chùa Xá Lợi chấp thuận cho làm lễ cưới tại chùa.

 Thế là tôi lên  xe hoa to tổ bố hiệu Plymouth của Mỹ được kết hoa trắng ngồi bên cạnh chú rể và hai cô dâu phụ là hai cô em gái của tôi, thay vì về nhà chồng, lại trực chỉ lên đưòng đến chùa Xá Lợi. Theo sau xe hoa là một đoàn xe hơi hơn 10 chiếc chở hai họ đàng trai, đàng gái đi đón dâu và đưa dâu.  Trời lại đổ cơn mưa trên đường đến chùa.  Ba má tôi cho là điềm lành vì được ơn mưa móc của trời đất ban phước lành cho đôi trẻ. Tốt thôi!

Đến chùa Xá Lợi ngang với trường nữ trung học Gia Long ngày cũ, cả đoàn gần 40 người đứng sắp hàng dài đi lên chánh điện để làm lễ cưới.  Ở phía trước cô dâu chú rể và các phù dâu quì xuống, quan khách hai họ đứng xếp hàng nam nữ phân biệt ở phía sau.  Bàn thờ Phật trang hoàng hoa huệ trắng, nến đỏ, đèn đuốc sáng choang.  Tượng Đức Phật màu trắng trên cao ánh mắt từ bi nhìn xuống.  Các vị thượng toạ trang trọng trong những chiếc y vàng đọc kinh cầu an cho cô dâu chú rể. Quan khách hai họ chấp tay trang nghiêm lắng nghe lời cầu nguyện. Lời kinh có âm điệu vui vẻ như hoà chung niềm vui của hai họ.  Cô dâu chú rể lại đưọc “bảo sao làm vậy”: đeo nhẫn cưới cho nhau, ký tên vào sổ lưu niệm của chùa, lắng tai nghe lời dạy của vị thượng toạ chủ lễ về bổn phận vợ chồng, lạy tạ ơn Phật ban phước lành, xong rồi chú rể mới được phép giở chiếc khăn voan choàng mặt cô dâu, chụp hình kỷ niệm v..v…  Buổi lễ cưới chấm dứt khi ba má tôi hướng dẫn chúng tôi đến cảm tạ quí vị thượng toạ.  Trời vẫn mưa rỉ rả trong khi đoàn xe lại quay về nhà tôi để dự tiệc cưới tối nay do đàng trai khoản đải.  Tôi vẫn mặc chiếc áo dài kim tuyến màu trăng đi chào mừng quan khách, đầu vẫn đội chiếc khăn voan nhưng được vén cao lên để lộ khuôn mặt ngây thơ, tươi trẻ vì lúc đó tôi mới vừa hai mươi hai tuổi, cái tuổi vẫn còn thích mộng mơ, lãng mạn.  Nhiều người khen tôi trông dễ thương lắm!  Mừng quá!

Bây giờ năm 2008 đến phiên cô cháu gái tôi lấy chồng.  Cô em tôi cũng tổ chức đám cưới cháu gái tôi theo nghi lễ cổ truyền giống như ba má tôi đã làm trước đây.  Trên bàn thờ tổ tiên cũng có đôi rồng phụng kết bằng trái cây do thợ Hốc Môn phụ trách, cũng có bộ lư hương nhan đèn sáng chói, có tấm phong màu đỏ với hai chữ song hỷ và hình long phụng hai bên treo phía sau bàn thờ, cũng nghi lễ cúng bái tổ tiên, trình sính lễ và mâm quả trà rượu, cũng có màn cô dâu chú rể ra mắt quan viên hai họ, và lần này vợ chồng chúng tôi lại là người “chủ xị” sắp đặt mọi nghi thức hôn lễ vì tôi là trưởng nữ trong gia đình nên phải làm bổn phận “quyền tỷ thế mẫu”.

  Chú rể mặc áo dài khăn đóng màu xanh, cô dâu mặc áo dài đỏ đội khăn vành dây đồng màu, cũng ngoan ngoãn làm y chang những gì mà vợ chồng chúng tôi đã làm 43 năm về trước trong ngày hôn lễ tại gia đình tôi.

 Thời gian qua mau, hai thế hệ hai cuộc đời, lễ nghi đám cưới vẫn còn đó nhưng chắc chắn cái cảm nhận về tầm quan trọng của các nghi lễ này sẽ khác nhau nơi cô dâu chú rể thời nay và thời xưa vì mỗi thời một cách cảm nhận và suy nghĩ khác nhau.

 Thời nay thanh niên nam nữ thường lập gia đình muộn màng hơn và có khuynh hướng muốn độc lập tự do hơn trong việc tổ chức hôn lễ của mình.  Ngày xưa con cái được “cha mẹ đặt đâu ngồi đấy”, nhưng bây giờ thì cha mẹ lại được “con cái đặt đâu ngồi đấy” trong nhiều việc, nhất là trong hôn nhân.  Ngày nay, hôn nhân không phải là vấn đề quan trọng trong đời sống của thanh niên nam nữ của thế kỷ 21 vì nhiều khi sự theo đuổi một hoài bảo, một lý tưởng, công ăn việc làm, sự nghiệp còn quan trọng hơn là hôn nhân nữa.

 Tuy nhiên, dầu sao đi nữa ai ai cũng mong cầu hạnh phúc, sống an vui trong một mái ấm gia đình có chồng vợ yêu thương nhau, có đàn con nhỏ xinh xắn ngoan hiền, có cha mẹ già bên cạnh để trông nom, đùa giỡn với con cháu. Cầu nguyện toàn thể mọi người tìm được niềm vui gia đình hạnh phúc tầm thường trong cõi trần gian phức tạp này.  Mong lắm  thay!

Hẹn gặp lại quí độc giả trong bài viết Đám cưới Việt Nam năm 2008 tại Saigon kỳ sau.

Sương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét