Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Đám cưới Việt Nam ở Saigon năm 2008




Ngày xưa,việc cưới hỏi phải trải qua sáu lễ mới được nên duyên chồng vợ.
Theo Nghi lễ sớ thì sáu lễ đó là:
1.- Nạp thái (đưa lễ vật dạm hỏi)
2.- Vấn danh (hỏi tên, tuổi)
3.- Nạp cát (đưa nạp điều lành)
4.- Nạp trưng (đưa đồ sính lễ)
5.- Thỉnh kỳ (Xin hẹn ngày cưới)
6.- Thân nghinh (đón dâu)


Tôi còn nhớ trong việc hôn nhân của tôi, ba má tôi đã tổ chức ba lễ: lễ coi mặt (hay coi mắt?), lễ hỏi và lễ cưới.

Đám cưới tôi được tổ chức sau đám hỏi hai năm mặc dù bà con hai họ nóng ruột nói “
Cưới vợ thì cưới liền tay. Đừng để lâu ngày hàng xóm dèm pha”. Hai người chúng tôi cứ tòn teng kéo dài thời gian đính hôn để tìm hiểu nhau và đi chơi với nhau vui hơn là làm đám cưới vội vã để gánh trách nhiệm chồng vợ quá sớm.

Bây giờ, ở Việt Nam và ở nước ngoài, nhiều gia đình tổ chức đám hỏi, đám cưới một lần cho đơn giản thủ tục nhưng vẫn chọn ngày tồt để tổ chức lễ hỏi, lễ cưới.

Tiệc cưới thường được tổ chức tại một nhà hàng, sau phần nghi lễ buổi sáng tại nhà hay tại nhà thờ, nhà chùa và thường tổ chức vào ngày thứ bảy cho tiện lợi cả chủ lẫn khách. Quà mừng cho cô dâu chú rể thường là tiền mặt bỏ trong những bao thư đưọc trao tặng cho cô dâu chú rể khi hai họ đi chào bàn cảm ơn quan khách. Đây là món quà thực tế nhất để giúp cô dâu chú rể thanh toán chi phí hôn lễ và giúp đôi vợ chồng mới cưới có chút hành trang lên đường cho cuộc hành trình mới của mình.

Đám cưới Việt Nam bây giờ cũng theo đúng thời trang hiện đại là tiền mặt vẫn là món quà được mọi người ưa chuộng nhất vì tiện việc sổ sách cho cả gia đình hai họ lẫn khách được mời.

Đám cưới cháu gái của tôi cũng không ngoại lệ. Cô dâu chú rể nhận quà tặng từ quan khách bằng tiền mặt được bỏ trong những bao thư chính là bao thư đựng thiệp mời đi dự đám cưới mà cô em tôi đã gửi cho họ trước đây, trên đó có sẵn tên khách được mời.

Quan khách sau khi ký tên vào sổ lưu niệm, bỏ bao thư này vào một hộp hình trái tim được kết hoa rất đẹp đặt trên bàn tiếp tân thay vì sẽ trao tặng cho cô dâu chú rể khi đi chào bàn, xong rồi bước sang chụp hình kỷ niệm với gia đình cô dâu chú rể. Tôi đại diện cho đàng gái đứng chào đón quan khách ở bàn tiếp tân. Tôi không thầy ai mang quà lỉnh kỉnh đến tiệc cưới cả.

Tiệc cưới được tổ chức trên lầu hai của khách sạn Rex mới được xây cất và khánh thành cách đây vài tháng, tọa lạc đối diện Toà Đô Chính cũ.
Đây là khách sạn hạng sang nên phòng đải tịệc được bài trí trang nhã, sang trọng: có thảm đỏ, có hoa tươi, có bàn tiệc trải khăn trắng, ghế ngồi lịch sự....

Đặc biệt trên sân khấu chỉ trang hoàng 4 chậu hoa hồng màu vàng đặt trên 4 trụ màu trắng. Một tấm phông màu trắng dựng ở phía sau sân khấu trên đó chỉ có dán 3 hàng chữ màu đỏ: lễ thành hôn, tên của cô dâu chú rể, ngày cưới, chứ không có hình rồng phượng, hay chữ song hỷ màu vàng choé như ta thường thấy ở các nhà hàng Tàu đải tiệc cưới bên Mỹ. Có lẻ nhà hàng này trang trí phòng tiệc theo yêu cầu, đề nghị của khách đặt tiệc cuới chứ không phải theo một khuông mẫu chung cho tất cả mọi tiệc cưới khác.

Bên trái sân khấu là một bàn phủ khăn trắng, có hoa tươi, có 7 hàng ly uống sâm banh được xây cao thành hình ngọn tháp để cô dâu chú rễ rót rượu sâm banh vào có khói toả ra cho thêm phần mờ ảo.

Bên phải là bàn đặt 5 chiếc bánh cưới trang hoàng rất đẹp nhưng chỉ có chiếc bánh đề tên cô dâu chú rể là bánh thật dùng để cô dâu chú rể làm thủ tục cắt bánh xong rồi gia chủ sẽ đem về nhà, còn 4 chiếc bánh kia chỉ là bánh giả được trang hoàng giống y chang bánh thật vậy. Tôi cũng mới biết sự thật này vì sau buổi tiệc, tôi không thấy cháu tôi cắt bánh mời quan khách ăn, hỏi ra mới biết đây là một sự khác biệt mới so với các tiệc cưới bên Mỹ.

Phần giới thiệu gia đình hai họ và chào bàn cũng giản dị.
Nguời MC tiệc cưới chỉ giới thiệu cha mẹ hai họ và cô dâu chú rễ lên sân khấu mà thôi chứ không giới thiệu cô chú dì dượng, anh chị em trong gia đình cả đoàn đông đảo như ở Mỹ. Phần chào bàn cũng giản dị vì với số lượng quan khách khá đông, cô dâu chú rể chỉ đến cám ơn và chụp hình với quan khách một cách nhanh chóng.

Người ta thường nói: “
Không ăn đậu, không phải là Mễ. Không đi trể, không phải là Việt Nam", cho nên truyền thống "giờ cao su" vẫn áp dụng cho tất cả các tiệc cưới Việt Nam được tổ chức ở Mỹ hay ở Việt Nam, dù trong thiệp mời có ghi rõ giờ đón khách và giờ nhập tiệc.
May mắn thay, chúng tôi chỉ đợi có 30 phút mà thôi. Dân Việt Nam bây giờ cũng tiến bộ lắm rồi nên quan khách dự tiệc không phải chờ đợi lâu.

Tiệc cưới bắt đầu khi người MC giới thiệu hai nhân vật quan trọng nhất của buổi tiệc là cô dâu chú rể tiến về sân khấu trong tiếng nhạc ngày tân hôn. Ban ca vũ tiếp tân của nhà hàng gồm 8 người nối gót theo sau để đưa cô dâu chú rể lên sân khấu, xong rồi bước xuống để vị MC mời cha mẹ hai bên lên sân khấu. Cha mẹ của chú rể đã lớn tuổi rồi cho nên cử anh trai và em trai của chú rể sang dự lễ cưới.
Đây là một điểm khác lạ so với nghi lễ tiệc cưới của con trai tôi vì cha mẹ hai bên được giới thiệu lên sân khấu trước rồi mới đến cô dâu chú rể là người được giới thiệu sau cùng để gây sự chú ý đến với quan khách.

Tôi thấy có màn đại diện hai họ chào mừng quan khách, cũng có ban nhạc sống và ca sĩ giúp vui nhưng lại có thêm màn vũ ballet nhẹ nhàng, nghệ thuật của một đôi nghệ sĩ trẻ tuổi. Đặc biệt hơn nữa là màn cô dâu chú rể dâng rượu lên cha mẹ đôi bên để cám ơn công sinh thành dưỡng dục. Màn đổ ruợu sâm banh vào ly hình tháp nói trên và màn cắt bánh cưới cũng được thực hiện trong phần nghi lễ trên sân khấu chứ không phải đợi đến lúc quan khách dùng tiệc xong.

Phần nghi lễ tiệc cưới trên sân khấu kéo dài khoảng 20 phút. Vị MC mời các quan khách nhập tiệc khi 40 nhân viên phục vụ trong đồng phục màu trằng đi hàng một từ phòng ngoài bước vào, tay bưng dĩa thức ăn đầu tiên, đứng cúi đầu chào quan khách xong rồi họ tỏa ra đặt dĩa thức ăn trên mỗi bàn. Thực đơn tiệc cưới chỉ có 6 món ẩm thực Việt Nam được trình bày trang nhã trong các đĩa màu trắng chứ không nhiều dầu mỡ như ẩm thực của các nhà hàng Tàu. Mỗi bàn có một nhân viên nhà hàng phuc vụ quan khách rất lễ phép và lịch sự.
Tôi chỉ ăn được món thứ hai là phải theo giúp em tôi đi chào bàn để cho kịp thời giờ vì khi món ăn cuối cùng chấm dứt thì các quan khách sẽ đứng dậy ra về ngay vì không có màn ăn bánh cưới và không có màn nhảy đầm sau buổi tiệc.

Tôi vẫn hồi hộp hỏi thăm chừng mãi về chiếc xách tay đựng tiền quà tặng cho cô dâu chú rể có được các cháu tôi canh giữ cẩn thận hay không vì tôi vẫn thường nghe những tin tức không tốt ở Việt Nam thường có kẻ gian trà trộn trong các tịệc cưới để cướp lấy tiền quà cưới này.
Trước đó một tuần, tin tức báo chí Việt Nam có loan tin kẻ gian đã công khai cướp giựt sợi dây chuyền đeo cổ của cô dâu đang đứng chào quan khách. Hằng ngày báo chí đều có đăng tin cướp giưt điện thoại cầm tay, máy ảnh, giây chuyền, bóp ví... cho nên tôi không an tâm chút nào cả. Khi đi ra ngoài đường một mình, tôi không dám đeo nữ trang, đem theo máy ảnh, bóp ví, tiền bạc nhiều, để tránh những tai họa có thể xãy ra.

Cả gia đình về nhà trong an toàn sau những giây phút mệt nhọc trong tiệc cưới. Từ nay trong gia đình em tôi có thêm một thành viên mới nhưng em tôi chắc sẽ buồn lắm vì thiếu vắng cháu gái của tôi phải theo chồng làm dâu nơi khác.

Tình cờ hôm nay tôi nghe trong radio một câu hát:

“Má ơí! Đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà ở đâu”


Đó lời than của một cô gái phải đi lấy chồng ở một thôn làng khác xa nơi quê làng cô đã sống với mẹ cha từ thưở bé.


Bây giờ, tôi biết chắc chắn rằng em tôi không bao giờ muốn gả con đi xa dù gia đình nhà chồng là gia đình đàng hoàng, con cái là những người có học vị cao tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng em tôi làm sao ngăn cản được tình yêu và quyết định về hôn nhân của con gái mình nên cũng đành phải gượng vui mà làm vui lòng con mà thôi!

Một vị hoàng đế trong phim truyện Đại Minh Triều Đại 1566 cũng đã phải thốt: “Tử tôn có phúc phận của tử tôn, tại sao các cha mẹ vẫn cam tâm tình nguyện suốt đời lo lắng cho con cái”?

Tôi thương em gái tôi lắm nhưng cũng chỉ biết an ủi em tôi rằng: “Âu cũng là phúc phận của cháu!” và tôi cũng thành thật chúc cháu tôi hạnh phúc trong cuộc đời làm vợ.
Chỉ thế thôi chứ biết nói gì hơn nữa. Bạn có đồng ý với tôi chăng?
Sương Lam

Anh Đưa Nàng Về Dinh


Lời thưa

 Nhân mùa cưới năm nay, đây là loạt bài viết nói lên những quan niệm hôn nhân và những nghi thức hỏi cưới  của thập niên 60 và hiện tại qua cảm nhận của người viết.
 Đồng thời tác giả muốn  giới thiệu thời trang, nghi lễ hỏi cưới, nếp sống gia đình qua nhiều thế hệ  trong đời sống của một gia đình trung lưu  của xã hội Việt Nam, một nét văn hoá đặc thù của Việt Nam mà người con dân nước Việt nào cũng trân quí.  Hy vọng quí độc giả cảm thông và tìm thấy đâu đấy hình ảnh của mình, của những  kỷ niệm dấu yêu ngày cũ qua những bài viết này. Xin đa tạ. 

Sương Lam

Anh đưa nàng về dinh




Chúng ta thường nghe ông cha ta nói: “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” để nói về ngày vui sướng nhất trong đời của người con trai, con gái ngày xưa là khi chàng đã đổ “tân khoa”, rồi về làng cưới vợ, rồi  “anh đưa nàng về dinh” để chung hưởng vinh hoa phú quí cho bỏ công đèn sách của chàng và của nàng đã “chắt chiu tháng tháng cho chàng đi thi”!

Như thế trong lục lễ của hôn nhân thì lễ thân nghinh là lễ quan trọng nhất của chú rể và cô dâu, "những kẻ theo chồng bỏ cuộc vui".

Những ai đã xem phim truyện Trung Quốc thường thấy cảnh cô dâu mặc áo đỏ, đội mũ cao có hoa vàng lấp lánh, có khăn che mặt, ngồi trong kiệu hoa bốn người khiêng.
Chạy lon ton kế bên kiệu là bà mai miệng cười toe toét, tay vẩy vẩy chiếc khăn tay một cách vui vẻ để chứng tỏ là mình đã thành công trong việc mối mai duyên nợ.  Đi trước kiệu hoa là kèn trống inh ỏi như báo tin vui đến cho khắp làng trên xóm dưới biết tin vui này. Điểm đặc biệt là tôi không thấy cha mẹ cô dâu đi đưa dâu để đưa con gái của mình về nhà chồng như ngày nay. Khi đến nhà họ đàng trai, bà mai liền mời chú rể trong bộ áo cưới với chiếc hoa to tổ bổ kết bằng lụa đỏ treo ngay trước ngực, đang nôn nóng đứng trước sân nhà, đến bên kiệu hoa đá vào kiệu hoa ba cái, xong dắt tay cô dâu vào trong nhà để “nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái” truớc khi chàng đưa nàng vào động phòng hoa chúc. Vui thật!
Còn niềm vui nào bằng niềm vui "động phòng hoa chúc dạ" của tân lang và tân giai nhân nhỉ?

Sang đến phong tục Việt Nam, tôi chỉ biết hình ảnh ngày tân hôn thuở xưa qua bức tranh sơn mài có hình chú rể cưỡi ngựa đi trước, cô dâu ngồi võng theo sau, có lộng xanh, có lễ vật heo quay, mâm quả, có người đưa đón theo sau, được treo ở phòng khách nhà tôi.
Thế là đã thấy khác với phong tục Trung Quốc trong phim truyện rồi vì lễ thân nghinh lần này ở Việt Nam tôi thấy có cờ bay phất phới, có chú lính thổi kèn tò te, có chú rể cưỡi ngựa, có cô dâu ngồi võng, có người đưa "khách sang sông" cho cô dâu đỡ buồn vì được đông người đưa đón và ra xem. Lại càng vui hơn nữa!

Nghĩ ngợi loăng quoăng, tôi lại nhớ đến lễ thân nghinh đám cưới của tôi vào thập niên 1960.
Cha mẹ tôi thuộc gia đình “nệ cỗ” nên tổ chức hôn lễ của tôi thật là trọng đại vì tôi là “trưởng nữ” trong gia đình nên phải làm cho “rình rang” để làm gương cho các cô em gái của tôi nối gót theo sau!

Trước ngày cưới của tôi, bà con nội ngoại của tôi về tề tựu đông đủ ở nhà ba má tôi. Có người từ nhà quê lên đến ở nhà tôi cả tuần trước để phụ cha mẹ tôi lo liệu tiệc đải khách, dựng lều che rạp v..v..
Một ngày trước khi đải tiệc cưới là ngày nhóm họ. Gia đình tôi tụ tập đầy đủ bà con nội ngoại để tôi lạy từ giả cha mẹ, bà con trước khi tôi theo “những cô áo đỏ sang nhà khác”.
Trong ngày này, cha mẹ tôi, các cô dì chú bác của tôi trao tặng tôi quà cưới với đôi lời nhắn nhủ trước khi tôi về nhà chồng.  Thú thật, ngày hôm đó tôi đã khóc khi lạy cha mẹ tôi để đền ơn công lao dưỡng dục của Người và từ giả thân nhân trong gia đình tôi vì kể từ sau ngày cưới, tôi sẽ không còn ở trong căn nhà của cha mẹ tôi nữa mà tôi sẽ sống trong một mái ấm gia đình riêng tư khác của vợ chồng chúng tôi.  Đúng là “khấp như nữ tử vu qui nhật”!  Thật đúng như người xưa đã nói.

Ngày hôm sau là ngày cha mẹ tôi thiết tiệc đải bà con hai họ, bà con láng giềng, bạn bè thân hữu của cha mẹ tôi. Ngày kế tiếp theo sau là ngày chúng tôi đải bạn bè thân hữu trẻ tuổi của chúng tôi và gia đình bên đàng trai. Như vậy là tiệc cưới của tôi được đải hai ngày: một ngày bên đàng gái và một ngày bên đàng trai vì số lượng khách mời khá đông. Tiệc cưới của tôi không đải ở nhà hàng mà ở trong khuôn viên của ngôi đình Chùa Ông ở sát cạnh nhà tôi. Ba tôi là một "chức sắc" quan trọng trong ban hội tề của Hội, nên đặc biệt được phép mướn và sử dụng nơi chốn rộng rải này để làm nơi đải tiệc cuới của tôi. Ba tôi mời một nhà hàng chuyên đải tiệc cưới đến nấu nướng ngay tại chỗ vì bếp của hội đình này rất rộng rải, đã từng là nơi nấu nướng trong các ngày lễ lớn của hội đình này nên chuyện nấu tiệc đám cưới của tôi ở nơi đây chỉ là "chuyện nhỏ".

Dĩ nhiên không cần phải nói là tiệc cuới của tôi vui vẻ, rầm rộ lắm vì ba má tôi quen biết rất nhiều người và nơi đải tiệc cưới lại là nơi ba tôi làm “chủ xị” nên chúng tôi tha hồ vui chơi tới giờ nào cũng được. Cũng có sân khấu cho cha mẹ tôi lên cám ơn quan khách, cũng có màn mấy cụ ông, bạn của ba tôi, lên đọc thơ chúc tụng ngày hôm trước, cũng có đàn trống xập xình và cũng có luôn màn nhảy đầm lả lướt dành cho giới trẻ trong buổi tiệc cưới ngày hôm sau. Cha mẹ tôi tuy theo xưa nhưng cũng "cấp tiến" lắm nên cho phép chúng tôi được tự do vui vẻ với bạn bè trong tiệc cưới của chúng tôi.

Cha mẹ chồng của tôi lại qui tiên trước khi ông chồng tôi lấy vợ nên mọi việc nghi lễ, đải đằng đều do ba má tôi quyết định, chúng tôi theo đó mà thi hành, miễn sao ba má tôi hài lòng là được vì ở Việt Nam trong thập niên 60, quyết định của cha mẹ rất được tôn trọng, nhất là trong vấn đề hôn nhân.

Sương Lam